Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 với nhiều điểm mới. Đáng chú ý nhất là bộ luật này đã bổ sung thêm tội danh mới liên quan đến lĩnh vực định giá tài sản bảo đảm làm cơ sở cấp tín dụng.
Cụ thể, bổ sung điểm c, khoản 1, điều 206 về Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau: “Người nào trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: vi phạm các hạn chế để bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng theo quy định của Luật các TCTD hoặc cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng”.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là nâng khống giá trị tài sản bảo đảm và để có căn cứ xác định giá trị định giá có bị nâng khống hay không thì có cần phải có một mức “giá so sánh”? Xác định đâu là mức “giá đúng/giá chuẩn” để so sánh là một vấn đề không hề đơn giản. Mức giá chuẩn có phải là mức giá khung do ủy ban nhân dân cấp tỉnh (UBND) ban hành theo từng thời kỳ hay là giá trị thực tế của tài sản được giao dịch trên thị trường tại thời điểm định giá?
Nếu chọn giá chuẩn là giá khung do UBND cấp tỉnh ban hành thì có phù hợp hay không so với giá trị thực tế của tài sản đang giao dịch trên thị trường? Bởi lẽ, trên thực tế, khung giá do UBND ban hành thường thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của tài sản đang được giao dịch trên thị trường.
Tuy nhiên, nếu lấy mức giá chuẩn là mức giá giao dịch thực tế của tài sản trên thị trường tại thời điểm định giá để so sánh thì cũng không ổn vì mức giá này có sự chênh lệch rất lớn giữa các tài sản và phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các bên mua bán. Do vậy, mức giá này chỉ có tính tương đối. Nếu dùng một cái giá tương đối để so sánh với giá trị định giá nhằm xác định có yếu tố của tội nâng khống giá trị tài sản bảo đảm hay không thì vô cùng nguy hiểm do sẽ rất dễ dẫn đến quy kết cảm tính từ cơ quan tiến hành tố tụng và dẫn đến hậu quả gây oan sai cho người làm công tác định giá cấp tín dụng.
Vậy, văn bản hướng dẫn cần phải quy định như thế nào về mức giá chuẩn nêu trên nhằm làm cơ sở cho việc so sánh, xác định có hay không việc cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm? Thiết nghĩ, văn bản hướng dẫn vẫn có thể lấy khung giá tài sản hiện hành của UBND cấp tỉnh nhưng phải tính toán giá trị thực tế xem tại thời điểm UBND cấp tỉnh ban hành khung giá đó thì mức giá thị trường thường cao hơn gấp bao nhiêu lần so với khung giá của UBND cấp tỉnh.
Ngoài ra, việc tính toán, xác định số lần giá trị định giá cao hơn so với khung giá của UBND cấp tỉnh cũng cần phải lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn và người dân nhằm đảm bảo đưa ra con số phù hợp và khả thi nhất. Có như vậy mới đảm bảo được tính khả thi của điều luật hình sự này và tránh không làm cản trở đến hoạt động tín dụng của các TCTD.
Thiết nghĩ, Chính phủ cần sớm có nghị định hướng dẫn thống nhất liên quan đến điều luật nêu trên vì hiện nay Bộ luật Hình sự đã có hiệu lực thi hành và hoạt động định giá, cấp tín dụng của các TCTD đã và đang diễn ra hàng ngày. Trong trường hợp nếu có phát sinh vụ việc có dấu hiệu nâng khống giá trị tài sản bảo đảm liên quan đến tội danh nêu trên mà chưa có hướng dẫn thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng đồng thời cũng rất dễ xảy ra tình trạng quy kết cảm tính dẫn đến oan sai cho tổ chức và cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, việc chưa có hướng dẫn rõ ràng về điều luật nói trên cũng sẽ tạo tâm lý e ngại cho chính các TCTD khi thực hiện thẩm định tài sản để cấp tín dụng. Để đảm bảo an toàn cho mình, TCTD có thể sẽ định giá tài sản thấp hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản. Điều này sẽ gây lãng phí nguồn lực là tài sản của doanh nghiệp, sẽ gián tiếp dẫn đến hệ quả doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn vay phục vụ kinh doanh hoặc doanh nghiệp chỉ tiếp cận được vốn vay ở mức thấp không đáp ứng đủ nhu cầu vốn do tài sản bảo đảm của doanh nghiệp không được đánh giá đúng giá trị thực của nó.
Khi doanh nghiệp nói riêng không được tiếp cận vốn vay đúng với nhu cầu sẽ dẫn đến doanh thu và lợi nhuận bị giảm sút thậm chí là nhiều doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản do không được tiếp cận đủ nguồn vốn lưu động kịp thời. Từ đó cũng gián tiếp làm suy giảm nguồn thu cho ngân sách.
Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/272090/Rui-ro-trong-dinh-gia-gia-tri-tai-san-bao-dam.html
Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Quảng Nam là công ty Thẩm định giá hàng đầu khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Là một doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực Thẩm định giá tài sản Quảng Nam, định giá bất động sản Quảng Nam, định giá đất cụ thể tại Quảng Nam, Thẩm định giá thiết bị Quảng Nam, Thẩm định giá tài sản vô hình, Thẩm định giá doanh nghiệp Quảng Nam, Thẩm định giá Quảng Nam. Đấu giá Quảng Nam. Bên cạnh đó Công ty còn có các dịch vụ tư vấn khác như: Tư vấn lập phương án giá, tư vấn đầu tư, tài chính, thương mại; tư vấn lập, đánh giá, thẩm tra hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xét thầu; Tư vấn thẩm tra dự toán công trình xây dựng – định giá xây dựng; Liên kết hoạt động kiểm toán báo cáo quyết toán dự án, kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, kiểm toán báo cáo tài chính,…