Tài chính là công cụ để điều tiết sự phát triển nền kinh tế. Để xây dựng vững vàng huyết mạch này, trên hết các doanh nghiệp Việt cần xây dựng cho mình những rào chắn bảo vệ an toàn. Thẩm định giá ra đời giải quyết bài toán thiết lập cán cân định giá tài sản. Thẩm định giá là một nghề mới tại Việt Nam, vì vậy đặt ra rất nhiều thách thức khi bạn muốn theo đuổi ngành này.
Thẩm định giá là gì?
Thẩm định giá là việc đánh giá hoặc đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc thông lệ quốc tế ( Điều 4-Pháp lệnh giá số 40).
Nghề thẩm định giá chia làm 2 cấp: chuyên viên thẩm định giá và trợ lý chuyên viên thẩm định giá. Theo đó, hai loại hình dịch vụ liên quan đến ngành này ra đời:
+ Thứ nhất, đó là dịch vụ thẩm định theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức của Nhà nước.
+ Thứ hai, dịch vụ thẩm định giá của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá khi thị trường bất động sản phát triển.
Thẩm định giá – nghề độc lập
Thẩm định giá là một nghề độc lập trong xã hội tương tự như nghề kế toán, kiểm toán. Nhưng không phải vì vậy mà nghề này đơn điệu, ngược lại đây chính là cơ hội để bạn có thể phát huy hết khả năng của bản thân. Tùy theo năng lực cá nhân, bạn có thể lựa chọn nhiều địa điểm làm việc và nhiều môi trường khác nhau để tự học hỏi.
Công việc của một nhà thẩm định giá luôn đòi hỏi sự cẩn thận, kiên trì trong việc thu thập thông tin và xử lý số liệu. Vì vậy, nếu quyết định theo đuổi ngành nghề này, bạn nhất thiết phải tuân theo một số yêu cầu đặc thù của nghề nghiệp như :
Trung thực: Quy tắc của một thẩm định viên là không được nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc các lợi ích nào khác từ tổ chức cá nhân có nhu cầu thẩm định giá ngoài mức giá dịch vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng thẩm định không đúng các điều khoản của hợp đồng thẩm định giá.
Khách quan: bạn phải là người có tầm nhìn, biết cách đứng ngoài lề những ồn ào và đưa ra những suy luận một cách khách quan nhất.
Kỷ luật: bạn phải tuân thủ những tiêu chuẩn thẩm định giá gắt gao, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp.
Kỹ năng cần thiết của một thẩm định viên
Ngoài những điều kiện cần như: Sử dụng thành thạo Word, Excel, nhân thân rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, kiến thức về Ngân hàng, Tài chính, Bất động sản, Luật Kinh tế… Để có thể tiến những bước xa hơn trong ngành này, ngay từ bây giờ bạn nên trang bị thêm những kỹ năng để tự hòa nhập với công việc một cách nhanh chóng:
+ Kỹ năng làm việc độc lập và theo nhóm tốt: sức mạnh cá nhân và sức mạnh cộng đồng sẽ được nâng lên đáng kể nếu bạn biết cách phát huy hiệu quả chúng. Khả năng làm việc độc lập, tự chủ trong công việc, cách thức phối hợp ăn ý, chặt chẽ với các thành viên trong nhóm. Tự xây dựng cho bản thân kỹ năng này sẽ bổ trợ bạn rất nhiều trong tương lai.
+ Giao tiếp tốt: điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong công việc. Vì bạn luôn phải sẵn sàng đàm phán, thương lượng với đối tác, tham gia thuyết trình trong các cuộc hội họp. Nếu kỹ năng này của bạn chưa vững, nên tranh thủ thời gian để tham gia các khóa học, điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp.
+ Kỹ năng phân tích, lập kế hoạch : để có thể dự đoán được thế mạnh, hạn chế của các loại tài sản hay
xu hướng biến động giá trị của tài sản, thì bạn phải có cái đầu sắc sảo, trực giác nhạy bén để phát hiện những chi tiết dù là nhỏ nhất. Từ đó xây dựng những kế hoạch dài hạn tương thích với mục tiêu đặt ra.
Ngành thẩm định giá hiện nay được đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Đại học Tài chính – Marketing TP.HCM. Nếu yêu thích nhóm ngành này, hãy kiên trì theo đuổi đến cùng. Để góp phần xây dựng nền kinh tế bền vững cho đất nước, rất cần những nhà thẩm định viên tài ba như bạn.